Thượng Nhân thượng Tịnh hạ Không, tục danh là Từ Nghiệp Hồng, sinh năm 1927 tại huyện Lư Giang, tỉnh An Huy, nhưng lúc nhỏ sống tại huyện Kiến Ngõa tỉnh Phước Kiến. Năm 1949, Sư đến Ðài Loan, dạy học tại Thực Tiễn Học Xã. Ngoài việc giảng dạy, Sư gia tâm nghiên cứu kinh sử, cổ văn.
Ðể mở rộng tầm kiến văn, trong suốt 13 năm Sư đã theo học với các bậc danh sĩ thạc học thời đó là các vị Phương Ðông Mỹ, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam v.v… Ngoài ra, Sư còn theo học Mật Giáo Tây Tạng với Chương Gia Ðại Sư (1). Tuy thế, vị thầy Sư kính phục nhất và học hỏi được nhiều nhất vẫn là lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Sư nể phục cụ Lý sâu xa đến nỗi hầu như bất cứ khi nào giảng pháp, dù bất cứ đề tài nào, Sư đều nhắc đến Lý lão cư sĩ với lòng biết ơn vô hạn. Dưới sự giảng dạy, dìu dắt của những vị trên, Sư thấu hiểu sâu xa, thâm nhập kinh điển Phật học.
Năm 1959, vào năm 32 tuổi, Sư thế phát xuất gia tại chùa Lâm Tế thuộc Viên Sơn, thành phố Ðài Bắc, pháp danh là Tịnh Giác, pháp tự là Tịnh Không. Sau khi thọ Cụ Túc Giới, Sư tích cực hoằng dương Phật pháp cả trong nước lẫn hải ngoại. Ðề tài giảng thuật của Sư rất phong phú: Trong suốt 30 năm, chưa hề gián đoạn lúc nào, Sư liên tục giảng rộng đến mấy mươi loại kinh, luận Ðại Thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Kim Cang, Lăng Nghiêm, Viên Giác, Lục Tổ Ðàn Kinh; nhưng kinh Sư tâm đắc nhất là Tịnh Ðộ Ngũ Kinh (A Mi Ðà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, chương Ðại Thế Chí Niệm Phật của kinh Lăng Nghiêm và phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện).
Sư học rộng, hiểu nhiều, thâm nhập Kinh Tạng, hiểu rõ Thiền lẫn Mật, nhưng lại chuyên chú nơi Tịnh Nghiệp. Sư chủ trương đại chúng học kinh điển để lãnh hội sâu rộng Phật pháp, nhưng hạnh phải chuyên nhất. Vì thế, đạo tràng Tịnh Ðộ các nơi của Sư sớm tối chỉ tụng kinh Mi Ðà hoặc kinh Vô Lượng Thọ. Mỗi tháng đều cử hành Phật thất nghiêm nhặt. Các đạo tràng không làm gì khác ngoài việc chuyên trì hồng danh, hoằng dương Tịnh Ðộ. Các pháp hội mang tính chất cầu an, giải hạn, hay thiền thất tuyệt nhiên chẳng cử hành. Sư tuân thủ triệt để đường lối chuyên tu của Tổ Ấn Quang: nhất tâm trì danh, vạn thiện đều hồi hướng trang nghiêm Tịnh Ðộ.
Sư chủ trương Phật giáo lẽ ra phải gọi đúng là Phật Ðà Giáo Dục, nghĩa là: những pháp môn Phật dạy ra là những phương cách thực tiễn nhằm triệt để bài trừ mê tín, khai phát chân trí giúp người học hiểu rõ chân, vọng, tà, chánh, thị phi, thiện ác lợi hại, ngõ hầu kiến lập lý trí, vun bồi một nhân sinh quan, vũ trụ quan từ bi tế thế đầy lạc quan, tích cực thì mới có thể thực hiện được bản hoài “giải quyết mọi sự khổ nạn của hết thảy chúng sinh, đạt được hạnh phúc chân thực vĩnh hằng” của chư Phật.
Thượng Nhân cũng là người đầu tiên áp dụng các phương tiện tân tiến để hoằng pháp tại Ðài Loan. Tổ chức Phật Ðà Giáo Dục Cơ Kim Hội do Sư lãnh đạo phát hành nhiều loại băng giảng ghi âm, ghi hình, đĩa CD đủ mọi thể loại để biếu không cho tất cả những ai cần đến. Ngoài việc ấn tống, tặng thí những tác phẩm chuyên dạy về Tịnh Ðộ của chư Tổ và các bậc danh đức xuất gia lẫn tục gia, Sư còn hỗ trợ việc ấn tống những sách khuyên làm lành lánh dữ được Tổ Ấn Quang đặc biệt đề cao như Thái Thượng Cảm Ứng, Thọ Khang Bảo Giám, An Sĩ Toàn Thư v.v… Không những chỉ ấn tống những kinh điển dành cho người Hoa, tổ chức Tịnh Tông Học Hội của Ðại Sư luôn tùy hỷ góp phần ấn tặng những dịch phẩm giá trị của các giáo hội Phật Giáo nước khác. Ðiển hình là Tịnh Tông Học Hội đã trùng ấn cuốn Niệm Phật Thập Yếu của Hòa Thượng Thiền Tâm lên đến 10.000 cuốn; các dịch phẩm khác như Hồng Danh Lễ Sám do Hòa Thượng Huyền Vi dịch, Lễ Hồng Danh Chư Phật do Hòa Thượng Chánh Lạc dịch đều được hội hỗ trợ ấn tống với số lượng lớn.
Hội còn phiên dịch các tác phẩm Phật Học giá trị sang nhiều thứ tiếng như tiếng Hindi, Punjabi, Anh Ngữ, Tây Tạng để những người không đọc được tiếng Hoa đều có thể tìm đọc. Ngoài ra, Tịnh Tông Học Hội còn tặng không rất nhiều hình Phật A Mi Ðà, hình Tây Phương Tam Thánh, các bức tượng Ðịa Tạng cũng như các máy niệm Phật, băng niệm Phật… Chỗ nào có trụ sở Tịnh Tông Học Hội của ngài là chỗ đó có ấn tặng kinh sách miễn phí, có đạo tràng chuyên tu Tịnh Nghiệp.
Có thể nói, so trong các đạo tràng nổi tiếng của Ðài Loan hiện tại, đạo tràng Tịnh Ðộ của Ðại Sư góp phần rất lớn trong việc hoằng dương, phổ cập Phật pháp. Khi giảng pháp, Ðại Sư dùng những lời lẽ đơn giản, dễ hiểu, chú trọng những ý chính để người học dễ lãnh hội và vận dụng trong cuộc sống. Sư chống tích trượng đến đâu là trước sau nơi đó cũng sẽ có một đạo tràng chuyên tu Tịnh Ðộ được thành lập. Tuy được coi là bậc Thái Sơn Bắc Ðẩu trong Phật Giáo Ðài Loan hiện tại, lúc nào Sư cũng khiêm cung, điềm đạm. Trong các bài giảng pháp, khi mở đầu Sư luôn xin phép vị Tăng trụ trì trung tâm và chỉ xưng là “học nhân”, không bao giờ tự xưng là “lão tăng” hay “sư phụ” chi cả!
Khác với các đạo tràng của những giáo hội khác như Phật Quang Sơn, Pháp Cổ…, đạo tràng của Ðại Sư không trần thiết hoa mỹ, cầu kỳ, mà mang nặng tính thiết thực, thuận tiện cho tứ chúng vân tập niệm Phật cộng tu. Các tự viện không được phép kinh doanh dù chỉ là bán các pháp khí, kinh sách. Các tăng ni thường trú tại các tự viện thuộc hệ thống Tịnh Tông Học Hội chỉ lo hướng dẫn đại chúng tu tập, mọi việc quản trị đã có ban hộ tự lo liệu. Ða số các tăng sĩ thuộc hệ thống Tịnh Tông Học Hội đều được đào tạo kỹ lưỡng. Các vị Pháp Sư đều khiêm tốn, đạm bạc, khắc kỷ, giữ gìn giới luật, chăm tu Tịnh nghiệp, phong thái nhàn tản, ung dung. Những ai tìm đến đạo tràng ngài nếu không thật tâm tu học sẽ chán nản, bỏ cuộc vì ngoài thời khóa Tịnh Ðộ sớm tối, không hề có bất cứ một hình thức pháp hội nhương tai, giải hạn, lễ sám nào khác. Ðiều đặc biệt là trong khi phần lớn các tự viện Việt Nam tại Hoa Kỳ, Pháp, Úc vẫn chưa thể bỏ được hình thức xin xăm, cúng sao giải hạn, các đạo tràng Tịnh Ðộ của Thượng Nhân Tịnh Không tuyệt nhiên không hề có một hình thức mê tín, bói toán, cầu cạnh nào. Dù là Tết Nguyên Ðán hay ngày Vu Lan, Rằm tháng Giêng, rằm tháng Mười, tứ chúng vẫn vân tập niệm Phật cộng tu như thường lệ, không bao giờ có cảnh lao xao tranh nhau đốt hương mù mịt, bỏ tiền thắp tục mạng đăng, chất ngập bàn thờ với hoa quả, phẩm vật như thường thấy tại các chùa người Hoa khác.
Ðể đào tạo tầng lớp giảng sư có đủ trình độ hoằng dương Phật pháp, Sư đã thành lập những ban bồi dưỡng công tác giảng huấn tại các trung tâm lớn như trung tâm Tịnh Tông tại Los Angeles, Singapore…. Dù tuổi tác đã cao, đã ngoài 76 tuổi, Sư vẫn tích cực hoằng pháp, rất minh mẫn. Ngưỡng mong Thượng Nhân thượng Tịnh hạ Không rủ lòng lân mẫn trụ thế dài lâu để hàng hành nhân sơ cơ như chúng con luôn có chỗ quy hướng, nương tựa.